Đài Loan: Vì sao từ tấm gương chống Covid-19, nay lao đao, nhiều người chết?
Cho đến tháng Năm 2021, Đài Loan còn được ca tụng vì có một trong những chiến lược chống Covid-19 thành công nhất thế giới.
Nhưng thành tựu to lớn đã kết thúc vào giữa tháng 5: các ca nhiễm trên hòn đảo bắt đầu tăng mạnh, và chỉ trong vòng 19 ngày, tính tới ngày 2/6, xảy ra hơn 8.000 ca nhiễm Covid-19.
Đài Loan đã phòng ngừa đại dịch sớm nhất trên thế giới ngay từ cuối tháng 12 năm 2019, kiểm tra ngay các chuyến bay từ Vũ Hán và thực hiện phản ứng toàn diện nhằm ngăn chặn mọi đợt bùng phát.
Kết quả là từ năm 2020 đến đầu tháng 5 này, Đài Loan chỉ ghi nhận 1.200 trường hợp dân nhiễm Covid-19, chỉ có 12 trường hợp tử vong.
Thế nhưng nhanh chóng, Đài Loan ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm, 260 người đã chết - 90% của con số này xảy ra chỉ từ giữa tháng Năm tới giờ.
Tính tới ngày 8/6, tổng số người chết vì Covid-19 ở Đài Loan đã là 308.
Đài Loan cũng chỉ mới tiêm vaccine được cho 3% của dân số 23,5 triệu dân.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Thái Anh Văn có diễn văn, trấn an rằng 750.000 liều vaccine do Mỹ hứa sẽ sớm đến nơi.
Chuyện gì đã xảy ra tại Đài Loan để dẫn tới tình trạng căng thẳng hiện thời?
Bài báo của BBC News ngày 20/5 nói Đài Loan là một trong những nơi đầu tiên cấm du khách nước ngoài ngay sau khi có tin về virus ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, người dân và chính phủ bắt đầu trở nên tự mãn.
Theo Our World in Data, Đài Loan chỉ thực hiện 0,57 xét nghiệm virus trên 1.000 người vào giữa tháng 2, so với tỷ lệ 6,21 của Singapore và 8,68 của Anh vào cùng thời điểm.
Bài báo trên Foreign Policy ngày 4/6 nói Đài Loan đã chống chọi với đợt bùng phát năm nay bằng các phương pháp của năm 2020.
Vào tháng 4, các ca bệnh tại địa phương lần đầu tiên được phát hiện kể từ tháng 2 sau khi một số phi công của China Airlines nhiễm virus và sau đó lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình.
Một giám đốc khách sạn, nơi ở của các phi công, cũng bị nhiễm bệnh, dẫn đến các ca lây lan qua nhiều quận khác nhau.
Sự lây lan của ổ dịch đã khiến nhà chức trách bị động.
Đáng lo ngại nhất là Đài Loan thiếu khả năng kiểm tra và xét nghiệm cũng như tình trạng thiếu giường bệnh - mặc dù đã có hơn một năm chuẩn bị. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng được yêu cầu ở nhà.
Nói với báo Anh The Guardian, nhiều chuyên gia ở Đài Loan than rằng chính quyền đã không cập nhật được kiến thức khoa học về các chủng virus mới, và dường như đã là "nạn nhân của sự thành công", thậm chí tự mãn.
Giáo sư Chen Chien-jen, từ trung tâm nghiên cứu Academia Sinica, cho biết nhà chức trách nghĩ rằng họ đã kiểm soát được đại dịch bằng hệ thống theo dõi tiếp xúc và kiểm dịch. Nhưng Đài Loan đã bị choáng vì sự lây lan của chủng Alpha, từ Anh quốc.
Chen, người từng là Bộ trưởng Y tế Đài Loan trong đợt bùng phát Sars năm 2003 và hiện đang tư vấn cho chính phủ cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng có thể ngăn chặn ở quy mô nhỏ, nhưng virus thực sự rất nguy hiểm."
Nói với The Guardian, giáo sư Chi Chunhuei, Đại học Oregon, cho rằng cuộc sống 11 tháng bình thường khiến cộng đồng và chính phủ "quá tự tin" vào khả năng ngăn chặn các đợt bùng phát.
Vào Ngày của Mẹ 9/5, dân Đài Loan đổ xô ra đường, vào nhà hàng.
Mười ngày sau, 19 tháng 5, giới chức ghi nhận 264 ca nhiễm virus. Đài Loan thực hiện chế độ cảnh báo 3 (cao nhất là 4), theo đó, hạn chế tụ tập, bắt buộc đeo khẩu trang và đóng cửa các cơ sở kinh doanh giải trí và trường học.
Chủ đề thảo luận toàn cầu hiện đang xoay quanh vấn đề vaccine, nhưng Đài Loan cũng đang gặp khó khăn về mảng này.
"Tôi nghĩ rằng chính phủ đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về vaccine quá muộn," Tiến sĩ Peter Chang, tổng giám đốc của Global Taiwan Medical Alliance, nói với The Guardian.
"Họ nghĩ rằng chúng tôi đeo khẩu trang, và mọi người rất kỷ luật cách ly xã hội, vì vậy không sao cả."
Nhiều nước đều đang khốn khó đi tìm vaccine, nhưng riêng Đài Loan phải đối mặt với nhiều phức tạp, bao gồm các cáo buộc về việc Trung Quốc cản trở.
Đài Loan cáo buộc rằng Trung Quốc đã chặn một thỏa thuận với nhà sản xuất BioNTech của Đức, điều mà Trung Quốc phủ nhận.
Nhật Bản đã cung cấp cho Đài Loan hơn 1,2 triệu liều và các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã bay đến Đài Bắc vào Chủ nhật để nhấn mạnh sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ dành cho Đài Loan.
Vào thứ Hai tuần này, cảnh báo cấp độ 3 đã được gia hạn một lần nữa, cho đến cuối tháng Sáu.
Không chỉ Covid-19, Đài Loan còn đang đối diện các khó khăn khác.
Hạn hán tồi tệ nhất của Đài Loan trong nửa thế kỷ qua đã ảnh hưởng xấu ngành công nghiệp bán dẫn, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng mất điện quy mô lớn ở Đài Bắc và các thành phố lớn khác.
Tuy những cơn mưa gần đây đã làm dịu bớt hạn hán, tình trạng mất điện tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khu vực của hòn đảo.
Mặc dù Tổng thống Thái Anh Văn không phải đối mặt với áp lực tái tranh cử trong nhiệm kỳ thứ hai, đảng của bà sẽ đối diện cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 8, bao gồm một cuộc bỏ phiếu về nhập khẩu thịt lợn có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Hôm 8/6, Trung tâm Chỉ huy Phòng chống Dịch Trung ương (CECC) của Đài Loan cho hay có 219 trường hợp nhiễm mới và 22 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Chen Shih-chung, người đứng đầu trung tâm, cho biết số ca vào hôm 8/6 và 7/6 là tương đương nhau, ít hơn so với những tuần trước đó, là dấu hiệu tích cực.
Ông nói: "Tuy nhiên, không thể lơ là cảnh giác lúc này."
Cũng hôm 8/6, tờ báo của Bắc Kinh, Global Times, đăng bài nói ngày càng có nhiều người dân Đài Loan đến Trung Quốc đại lục để tiêm vaccine miễn phí trong lúc Đài Loan đang thiếu vaccine trầm trọng.
Tờ này nói: "Người dân Đài Loan đã tiêm ở Trung Quốc đại lục nói với Global Times rằng họ tin rằng so với Mỹ, vaccine ở đại lục không chỉ tiện lợi hơn mà còn tiết kiệm chi phí và an toàn hơn."
Bạn nghĩ thế nào về bài viết này