Cách dạy con đặc biệt của giới thượng lưu
Không có sự giàu có nào được hình thành chỉ trong một đêm. Giới thượng lưu giàu có thường phải giúp con mình “mưa dầm thấm lâu”, học và hiểu về tiền bạc sớm nhất có thể. Câu chuyện về đứa con gái nhà tài phiệt Shaila Shaila là cô bạn cùng trường đại học […]
Không có sự giàu có nào được hình thành chỉ trong một đêm. Giới thượng lưu giàu có thường phải giúp con mình “mưa dầm thấm lâu”, học và hiểu về tiền bạc sớm nhất có thể.
Câu chuyện về đứa con gái nhà tài phiệt Shaila
Shaila là cô bạn cùng trường đại học của tôi. Cô ấy thường ăn mặc giản dị, không có vẻ điệu đà nên ngay từ lần đầu gặp nhau trên xe bus công cộng đến trường, chúng tôi có thể nhanh chóng bắt nhịp với nhau một cách dễ dàng.
Thế nhưng, chỉ sau khi chơi thân, trong một lần cô ấy rủ về học nhóm ở nhà, tôi mới phát hiện ra, Shaila là con cái của một trong những gia đình giàu có nhất trong thị trấn.
Đứng trước cửa căn biệt thự tráng lệ, tôi loanh quanh một lúc vẫn không dám bấm chuông. May mắn là, có một người phụ nữ bước ra khỏi đó và tôi nhanh chóng chạy lại hỏi bà ấy về Shaila. Bà ấy mở cửa đưa tôi vào nhà.
Hóa ra, Shaila là một trong những người chủ động che giấu tình trạng gia cảnh của mình để có được một cuộc sống bình thường, để được bạn bè và đồng nghiệp chấp nhận tính cách và bản chất của cô, thay vì bị đóng khung trong một vài định kiến bắt buộc.
Với nhiều người, ngay cả khi tài sản của người giàu được tích lũy hoàn toàn hợp pháp, họ vẫn có những phán xét tương đối nhạy cảm. Thế hệ kế thừa cũng chịu nhiều áp lực khi luôn bị soi xét về từng hành vi và thái độ sống.
Mọi người rất thích truyền tai nhau câu chuyện về những đứa trẻ giàu có tiêu xài hoang phí, hoặc sống một cuộc đời vô nghĩa, để mặc sự lười biếng và thiếu động lực thống trị bản thân.
Những câu chuyện như vậy vốn chỉ là một phần nhỏ, thông qua quá trình “kịch tính hóa”, mọi người lại biến nó thành hình mẫu đại biểu cho số đông. Đó là lý do mà nhiều người giàu có không muốn chia sẻ về bản thân và gia đình.
Tiếp xúc với Shaila, tôi sâu sắc nhận ra rằng, không phải tất cả trẻ em sinh ra trong gia đình giàu có đều có những đặc điểm tiêu cực như vậy. Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc khắc sâu các giá trị đồng tiền đúng đắn.
Chính cô ấy là người nói với tôi rằng, sự giàu có của nhà cô không hình thành chỉ trong một đêm. Ngay cả khi cô ấy không được chứng kiến hành trình khó khăn ấy, cha mẹ vẫn thường xuyên chia sẻ với cô, giúp cô hiểu về quá trình này.
Và nếu có thể, đôi khi cô còn được tham gia vào các quyết định quan trọng về tiền bạc trong gia đình. Cô cũng có thể tận mắt chứng kiến việc điều hành một doanh nghiệp phức tạp như thế nào, hoặc việc đưa ra quyết định có thể đem tới những rủi ro nào, hoặc phân tích về lựa chọn của cha mẹ đã đưa ra.
Điều này tạo ra thái độ đúng đắn đối với tiền bạc, là tiền đề để tương lai, cô có thể kế thừa doanh nghiệp rồi phát triển nó tốt hơn.
Shaila cho biết: “Mục tiêu của cha mẹ chưa bao giờ là giúp tôi đỡ nghèo. Thay vào đó, họ muốn tôi giàu thêm.”
Về sau, công việc cho tôi cơ hội để tiếp xúc với nhiều người thuộc giới thượng lưu hơn, tôi cũng nhận ra mỗi gia đình lại có những cảnh khác biệt.
Có một người quen của tôi làm nghề môi giới chứng khoán. Ông ấy muốn con trai nối nghiệp nên định hướng cho con trai chịu trách nhiệm thu và thanh toán tiền ký quỹ từ khá sớm.
Chẳng mấy chốc, cậu con trai đã có sự am hiểu ở mức độ nhất định về rủi ro của khách hàng, rủi ro thị trường, đòn bẩy và lợi nhuận. Điều đó khiến cậu trở nên hấp tấp và vội vàng.
Khi người cha muốn giữ mức lợi nhuận vừa phải, yếu tố an toàn cao, người con trai lại khăng khăng cần “liều ăn nhiều”. Người cha không hề tranh cãi, ông chỉ tách ra một khoản tiền rồi cho phép con trai được tự quyết định làm theo ý muốn.
Nửa tháng sau, thị trường sụp đổ, số tiền mà người con trai có được nhanh chóng mất hết. Lúc đó, cậu ta mới hiểu thế nào là “gừng càng già càng cay”.
Có những gia đình buộc con cái họ từ chối những đặc quyền, đơn giản vì cha mẹ muốn các con có một cuộc sống đơn giản.
Cũng có những bậc cha mẹ tận dụng mọi cơ hội để chi tiêu quá mức và cho đứa trẻ biết rằng, tiền có thể làm được tất cả. Đối với cá nhân tôi, cả hai cách này đều khá cực đoan.
Trẻ em không nhất thiết phải quá tằn tiện, nhưng phải biết cách chi tiêu hợp lý. Các quyết định về tiền bạc phải được đưa ra sau khi xem xét cẩn thận các sự đánh đổi.
Một người bạn khác của tôi yêu cầu các con cô ấy bắt xe buýt đến trường vào mỗi sáng lúc 7:20, giống như tất cả trẻ em khác. Nhưng khi buổi học kết thúc, một chiếc xe với tài xế riêng đã được cử đến đón họ. Những đứa trẻ sẽ có một bữa ăn nhẹ và đồ uống ưa thích để xua tan sự mệt mỏi sau buổi học.
Các con của cô ấy vừa được trải nghiệm những điều bình thường, vừa được biết về những ưu thế của bản thân.
Cô bạn tôi đã kết hợp các khái niệm về tiết kiệm, đầu tư và chi tiêu khi giao tiếp với trẻ. Đây là những khái niệm tài chính cơ bản mà mọi người đều phải sử dụng trong đời sống. Một đứa trẻ giàu có không nhất thiết phải được nuôi dạy như một đứa trẻ “mù chữ” về tài chính.
Tôi nhớ lại, mình và Shaila từng cùng nhau đem rất nhiều giấy vụn, lẫn lộn cả giấy và các loại bìa cứng đi bán. Đại lý giấy vụn cho biết, bìa cứng không có giá trị gì nên họ sẽ không mua bìa cứng mà chỉ thu mua giấy.
Trong khi tôi định để đại lý cứ áng chừng con số đại khái thì Shaila lại ngồi xuống để bắt đầu phân loại cả chồng giấy vụn to tướng. Cô ấy mất khoảng 10 phút mới tách xong chồng giấy, rồi đem bán cho đại lý. Số bìa cứng được thu lại gọn gàng, sau đó cũng tặng lại cho đại lý ấy.
Khi tôi hỏi: “Đằng nào cậu cũng đem cho số bìa đó, tại sao phải ngồi phân loại chúng ra?
Shaila đáp: “Điều quan trọng là giữ một thỏa thuận công bằng mà cả chúng ta và đại lý đều rõ ràng, minh bạch. Đó là điều mà cha đã dạy tôi.”
Cũng chính người bạn đó đã đảm bảo rằng, những hành động hào phóng nhỏ bé sẽ giúp ích cho hầu hết các giao dịch trở nên thuận lợi hơn. Sự hào phóng là một phẩm chất khiến mọi người dễ dàng đạt được thiện cảm từ người khác.
Nếu chúng ta bị đặt trong một tình thế phải từ bỏ tiền bạc, chúng ta mới đau đớn và khổ sở. Nhưng nếu chúng ta chủ động cho đi, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Không phải tất cả những đứa trẻ giàu có đều lớn lên với một quan niệm sai lầm rằng tiền có thể giải quyết mọi vấn đề. Điều quan trọng là quá trình chỉ đường dẫn lối của cha mẹ có giúp họ học cách quan tâm và chia sẻ hay không.
Cha của bạn tôi, một triệu phú tự thân thuộc thế hệ thứ nhất, không bao giờ bỏ lỡ các cơ hội như vậy.
Ông luôn muốn chỉ ra cho các con của mình thấy, doanh nghiệp của họ đã hỗ trợ và nuôi dưỡng xã hội bằng các sản phẩm của mình như thế nào, khả năng tạo ra việc làm cho người lao động như thế nào, đóng góp cho chính phủ bằng các khoản thuế như thế nào, và thúc đẩy thị trường tiền tệ với các giao dịch kinh doanh như thế nào.
Những cuộc trò chuyện mang đầy tính trách nhiệm như vậy đã tạo ra, khắc sâu vào tâm trí trẻ nhỏ một niềm tự hào và đầy ý thức trách nhiệm cao.
Shaila chưa bao giờ biến “sự giàu có” thành định nghĩa về mình. Trong suy nghĩ của cô ấy, bản thân mình mới là chủ thể quyết định sự giàu có.
-Uma Shashikant-
*Theo EconomicTimes
- Niềm ngóng trông của cha mẹ: tết này con có về không?
- Câu chuyện: Sự kết thúc của một gia tộc thịnh vượng – Hiển lộ đạo lý nhân sinh sâu sắc
- 2 câu chuyện về sự tử tế khiến bạn xao xuyến cõi lòng
- Nhân sinh cảm ngộ: Có mất ắt có được
Bạn nghĩ thế nào về bài viết này