Nhà sinh 7 con trai, cha mẹ nghèo làm đủ nghề để giờ đây các con đã có 7 bằng đại học
Ở thôn 3 (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) khi nói về gia đình hiếu học thì ai cũng nhắc đến vợ chồng ông Lê Lộc (SN 1965) và bà Đào Phương Nữ Cẩm Linh (SN 1974). Nhà ông bà có 7 người con trai thì tất cả đều đỗ đại học. Oằn vai nuôi […]
Ở thôn 3 (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) khi nói về gia đình hiếu học thì ai cũng nhắc đến vợ chồng ông Lê Lộc (SN 1965) và bà Đào Phương Nữ Cẩm Linh (SN 1974). Nhà ông bà có 7 người con trai thì tất cả đều đỗ đại học.
Oằn vai nuôi con học đại học
Chuyện vợ chồng ông Lê Lộc và bà Đào Phương Nữ Cẩm Linh có 7 con trai khá nổi tiếng ở xã Ia H’lốp, H.Chư Sê (Gia Lai) bởi hai lẽ: Nhà sinh toàn con trai, đông nhất ở xã và tất cả đều học đại học.
Con đầu của họ tốt nghiệp đại học năm 2015 và con trai út vừa mới đỗ đại học năm nay.
Nhắc lại hành trình nuôi con, lo cho con ăn học đằng đẵng nhiều năm trời với chúng tôi, cả hai vợ chồng họ đều rơm rớm nước mắt.
Bà Linh nói: “Nghĩ lại thật không dám tin vợ chồng tôi có thể nuôi dạy 7 đứa con trai như thế. Nhớ hồi các cháu còn nhỏ, phải tự theo nhau đến lớp. Trong khi con người ta có áo mưa đến trường trong mùa mưa dằng dặc của cao nguyên, con tôi thì mỗi đứa trùm một cái áo mưa tự chế bằng lớp nilon của bao đựng phân bón. Nhìn con vậy thật xót xa nhưng nhà nghèo mà, biết làm sao”.
Các con càng lớn, sức nặng lại thêm oằn vai đối với vợ chồng ông Lộc. Họ hết làm nông ở nhà lại quần quật đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi đàn con tuổi ăn tuổi lớn. Ai gọi làm thuê gì cũng làm, từ đào hố trồng cà phê, trồng tiêu cho đến leo trên cây cao hơn 5 m để tỉa những cây muồng trồng chắn gió.
7 đứa con trai lần lượt được sinh ra và lớn lên trong khó khăn nhọc nhằn như thế. Bước chân đến lớp của họ mang theo cả những lam lũ của cha mẹ.
Ông Lê Lộc năm nay đã 61 tuổi. Cả ông và bà đều là người Huế, di cư vào Gia Lai theo diện đi kinh tế mới. “Tôi vào đây từ năm 1985. Nhà vợ chồng tôi ở quê cũng nghèo. Tôi học đến lớp 9 thì nghỉ. Vợ tôi cũng mới chỉ học đến lớp 7. Hai vợ chồng lấy nhau năm 1990, năm 1991 thì có con trai đầu lòng.
Tôi đặt tên con trai đầu là Lê Huy Hoàng cũng có ý đặt niềm tin, gieo hy vọng về tương lai cho con mình. Hai vợ chồng nuôi các con khổ không thể nào kể hết được. Cứ chưa hết hôm nay lại nghĩ việc ngày mai để kiếm tiền nuôi con”, ông Lộc tâm sự.
Theo ông Lộc, khi các con lớn hơn một chút, thì đứa lớn chăm đứa nhỏ, còn hai vợ chồng ông vẫn quần quật suốt ngày. Nhiều khi cả ngày vợ chồng con cái không thấy mặt nhau, chỉ đến bữa cơm tối cả nhà mới được quây quần. Khổ là vậy nhưng hai vợ chồng ông Lộc vẫn động viên nhau cố gắng.
“Trời thương cho sức khỏe là mừng rồi. Ngày tết đến, hai vợ chồng tôi cố gắng tằn tiện để sắm cho các con bộ đồ mới cho bằng bạn bè để chúng đỡ tủi. Khổ là vậy nhưng chúng tôi chưa bao giờ làm đơn xin miễn hay giảm bất cứ khoản phí nào khi các cháu đến trường. Mình sinh được thì nuôi được, chỉ cần cố gắng để vượt khó khăn”, ông Lộc nói.
7 đứa con, 8 tấm bằng đại học
Đứa con đầu lòng của vợ chồng ông Lộc thi đỗ vào Khoa Báo chí, Đại học Khoa học Huế. Ngày nhận tin mừng của con cũng là ngày lo của vợ chồng họ. Ấy là đủ khoản tiền từ học phí đến sinh hoạt phí cho con.
Tiếp đó, hai anh em Lê Xuân Thái và Lê Thanh Bình thi đỗ vào Trường đại học Luật Huế. Ba anh em thuê chung một phòng trọ, tự đi chợ nấu ăn để tiết kiệm chi phí. Hai anh em sinh đôi năm 2.000 là Lê Hữu Toán và Lê Hữu Thạch cùng học Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) chuyên ngành ô tô. Còn con trai út Lê Hữu Thất hiện đang là sinh viên năm thứ nhất ngành kỹ thuật ô tô của Trường đại học Nha Trang.
Bà Linh kể: “Cứ hai hoặc ba năm là có một cháu vào đại học. Hồi đó cứ nghe con gọi về “Mẹ ơi!” là giật thót người vì đã đến kỳ gửi sinh hoạt phí cho các cháu. Nhiều khi tiền không có, phải bán tiêu non, cà phê non (một hình thức bán trước sản phẩm khi chưa thu hoạch), dù giá có thấp cũng bán để gửi tiền cho các cháu. Mình túng thiếu, ăn uống sao cũng được chứ con ở xa, biết xoay xở làm sao”.
Cũng theo bà Linh, mừng là các con của vợ chồng bà đều rất thương ba mẹ, cứ nghỉ học được vài ngày là về phụ làm với gia đình cho đến khi quay lại trường, không bao giờ chịu nghỉ ở nhà. Nhiều người con của ông bà đang đi học mà hai bàn tay đã chai sạn.
“Năm nay tôi cũng đã 50 tuổi rồi. Nhìn con được đến trường, cho con cái chữ lận lưng làm vốn để mưu sinh đã quá mừng rồi. Chỉ còn thằng út nữa là xong. Nhiều người thấy vợ chồng tôi cho cả 7 đứa con học đại học, họ khuyên nên cho các cháu nghỉ để phụ bố mẹ làm nông, đỡ đần vất vả nhưng tôi không chịu, bảo rằng sẽ cố thu xếp để cho con kiếm cái chữ. Nhớ hồi trước gửi tiền cho con phải ra ngân hàng, đến mức các cô nhân viên nhẵn cả mặt, mừng khi xoay kịp tiền để gửi cho con”, bà Linh tiếp tục kể.
Con đầu của vợ chồng bà Linh, anh Lê Huy Hoàng cũng đã lấy thêm tấm bằng đại học luật. Và tấm bằng đại học thứ 8 đang được cậu út chinh phục.
Hiện 6/7 người con của vợ chồng ông Lộc đã tốt nghiệp đại học, công việc ổn định.
Hai vợ chồng ông Lộc kể rằng hồi trước khi giá cà phê thấp, trồng tiêu khi có giá thì chết hàng loạt. Nhiều năm liền ông bà không có điều kiện về thăm quê. Sau những tháng năm oằn vai nặng gánh mưu sinh, nuôi con nên người, ăn học đường hoàng, họ đã dành dụm mua được đất canh tác. Hiện 4 ha cà phê của ông bà đang cho thu hoạch ổn định và 400 gốc sầu riêng cũng bắt đầu cho những lứa quả đầu tiên.
“Mùa rồi cũng được 7 – 8 tạ sầu riêng. Tôi dành làm quà cho người thân, bạn bè hết, không bán quả nào. Rồi cũng dành chút đỉnh để đứa nào lập gia đình thì hỗ trợ cho ít vốn để làm ăn, dựng cửa dựng nhà. Có hai đứa đã lập gia đình. Nghĩ thương con sinh ra trong gia đình nghèo khó nhưng tôi cũng tự hào là đã luôn động viên vợ con để cả nhà vượt khó vươn lên”, ông Lộc chia sẻ.
Nguồn: thanhnien.vn
Bạn nghĩ thế nào về bài viết này