“Chiến binh K” 4 tuổi: Trân quý bữa cơm nhà sau những ngày dài ăn cơm bệnh viện
Dẫu phải chống chọi với bệnh hiểm nghèo khiến sức khỏe giảm sút, nhưng sau mỗi đợt điều trị bệnh về nhà, “Chiến binh K” Bánh Rán vẫn cùng mẹ nấu những mâm cơm nhà ngon lành, đẹp mắt. “Chiến binh K” 4 tuổi kiên cường chiến đấu với ung thư máu Nếu như các […]
Dẫu phải chống chọi với bệnh hiểm nghèo khiến sức khỏe giảm sút, nhưng sau mỗi đợt điều trị bệnh về nhà, “Chiến binh K” Bánh Rán vẫn cùng mẹ nấu những mâm cơm nhà ngon lành, đẹp mắt.
“Chiến binh K” 4 tuổi kiên cường chiến đấu với ung thư máu
Nếu như các bạn cùng trang lứa đang vô tư ăn ngủ, vui chơi thì bé Bánh Rán (ở Hà Nội) lại đang phải hàng ngày, hàng giờ mạnh mẽ đương đầu với căn bệnh quái ác – Ung thư máu.
Chị Trần Nam Khanh (34 tuổi, làm nghề thiết kế tự do tại Hà Nội) – mẹ của Bánh Rán kể, con chị tình cờ phát hiện mắc ung thư từ khi mới hai tuổi rưỡi. Khi ấy, chị đang chuẩn bị quay trở lại guồng công việc full time sau khoảng thời gian nghỉ thai sản và chăm con nhỏ.
Chị Khanh nhớ lại: “Con được chẩn đoán bệnh rất tình cờ, không có dấu hiệu rõ ràng. Trong khoảng 2-3 tuần mình có thấy sắc mặt con kém hồng hào, môi hơi nhợt nhạt. Nghĩ con bị thiếu máu, thiếu sắt nên tự mua sắt bổ sung cho con.
Đến một lần tình cờ một lần đưa con đi khám ho, sổ mũi, trong quá trình soi tai, bác sĩ nhận thấy niêm mạc mắt và da con nhợt nhạt hơn bình thường. Mình nghĩ ngay đến việc cho con đi xét nghiệm máu.
Mình vẫn nhớ rõ, trưa hôm ấy bác sĩ gọi điện báo kết quả chỉ số máu của con thấp bất thường, yêu cầu mình phải đưa con vào Viện Huyết học – Truyền máu trung ương để truyền máu ngay.
Với chỉ số như vậy, lẽ ra con không có sức đứng dậy, mà em bé của mình vẫn chạy nhảy nô đùa như không có vấn đề gì. Sau 1 ngày làm các xét nghiệm cần thiết, con được chẩn đoán mắc bệnh Bạch cầu cấp hay còn gọi là máu trắng, một loại ung thư máu.”
Chiến đấu với bệnh ung thư không phải là cuộc chiến của một mình Bánh Rán, mà là hành trình dài với bao nhọc nhằn của cả bé và mẹ.
Chị Nam Khanh vô cùng ám ảnh và không bao giờ quên những lần phải chứng kiến, tận tay ôm, giữ con để bác sĩ chọc những mũi tiêm to dài vào tủy sống, nghe con vừa khóc vừa gọi: “Mẹ ơi, cứu con với, mẹ ơi mẹ cứu em bé”.
Không biết bao nhiêu đêm, chị nhìn con ngủ mà khóc, nhìn con vui tươi cười nói, chị càng quặn thắt lòng.
Cho dù trải qua thời gian dài điều trị, sức khỏe của con đã có tiến triển tốt hơn, nhưng chị Nam Khanh vẫn không nguôi những nỗi lo lắng về sức khỏe của con.
Điều khiến chị Nam Khanh được an ủi là dù phải đối mặt với những ngày dài bị nhốt trong bốn bức tường bệnh viện, nỗi sợ hãi xâm chiếm khi lấy ven, lấy máu và sự mệt mỏi, đau đớn khi hóa trị, nhưng Bánh Rán vẫn luôn tươi cười, chơi đùa sau mỗi lần tiêm hay truyền thuốc xong.
Bé rất hay nói, hay cười, vui vẻ trêu đùa các bạn cùng điều trị và các y bác sĩ, nhân viên công tác xã hội mỗi khi có dịp gặp gỡ.
Đam mê nấu những mâm cơm nhà cùng mẹ
Suốt một năm rưỡi chiến đấu với ung thư, đa phần thời gian Bánh Rán ở bệnh viện hoặc về nhà. Bé không có nhiều bạn cùng trang lứa nên rất hay buồn vì không có ai chơi cùng.
Do vậy, mỗi lần thấy mẹ nấu cơm, Bánh Rán lại đòi làm cùng mẹ. Những mâm cơm gia đình mà Bánh Rán và mẹ cùng nhau làm khi con đang trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư máu cứ ngày một nhiều hơn.
Với chị Nam Khanh và bé Bánh Rán, việc phải ăn cơm bệnh viện nhiều càng khiến mẹ và bé trân quý những phút giây các thành viên trong gia đình được quây quần cùng nhau bên mâm cơm nhà.
“Từ bé, Bánh Rán đã rất thích chơi nấu ăn, đặc biệt hay lôi nồi niêu thật của mẹ ra chơi, nên mình nghĩ cho con cùng nấu sẽ vui hơn, và con cũng đỡ buồn nữa.
Bánh Rán biết cầm đũa từ một tuổi rưỡi, em khá là khéo léo và quan sát tốt nên học rất nhanh. Món đầu tiên mẹ cho em tự làm là món trứng rán, mẹ chỉ cần đứng bên cạnh chỉ dẫn, em làm theo được hết.
Khi cho dầu ăn vào chảo, Bánh Rán còn cầm chảo láng dầu cho đều dù mẹ không hề dạy, mà em đã quan sát mẹ nhiều lần và bắt chước. Khi ấy là Bánh Rán 3 tuổi, con đã làm thành công đĩa trứng rán đầu tiên và tự ăn hết.
Sau này, mẹ dạy nhiều món khó hơn thì cũng khá nhiều thử thách. Ví dụ như nấu các món nhiều công đoạn thì đến các bước cuối là con bắt đầu nản, sẽ không nấu tiếp nữa.
Hoặc đôi khi con sẽ tức giận khi thao tác khó như là cắt thức ăn không được như ý. Việc giữ an toàn cho con khi nấu ăn cũng khá mệt, vì trẻ con hiếu động. Thực tế mỗi lần hai mẹ con cùng nấu cơm thì thời gian và số bát đĩa sử dụng sẽ gấp đôi so với mẹ tự làm.
Tuy mệt, nhưng mỗi lần hai mẹ con hoàn thành mâm cơm xong cũng thấy vui và cảm thấy nó ngon hơn gấp đôi vậy.” – Chị Nam Khanh chia sẻ.
Chấp nhận và vượt qua giông bão
Sau quãng thời gian bếp nhà nguội lạnh vì chị Nam Khanh phải cùng con điều trị ở bệnh viện, giờ đây căn bếp của hai mẹ con đã rộn rã hơn với những mâm cơm gia đình tươm tất, ngon lành do mẹ và đầu bếp nhí cùng nhau “đạo diễn”.
Suốt hơn một năm qua, chàng “chiến binh” nhỏ Bánh Rán hàng ngày vừa luyện “đao pháp” để trở thành đầu bếp nhí, vừa “luyện công” chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Từ phụ bếp, Bánh Rán trở thành bếp trưởng. Chị Nam Khanh cho hay, chị cảm thấy hạnh phúc khi được cùng con làm điều mà cả hai mẹ con cùng yêu thích.
Những bữa cơm đặc biệt được góp công bởi đôi bàn tay bé nhỏ của con cũng là nguồn động viên rất lớn cho chị.
Mỗi lần chứng kiến con đau xong lại nhăn nhó cười, hôm trước vào viện hôm sau ở nhà đã đòi “mẹ ơi con nấu cơm cùng mẹ nhé”, chị Nam Khanh mới nhận ra điều quan trọng nhất là hiện tại, gia đình nhỏ vẫn đang được ở bên nhau, cùng nấu, cùng ăn, cùng cười, cùng khóc.
Ai mà chẳng có những giông bão của cuộc đời, việc đơn giản nhất là chúng ta chấp nhận nó, ở bên nhau cùng vượt qua bão giông cuộc đời.
Theo doisongphapluat
Bạn nghĩ thế nào về bài viết này