Đời người sợ nhất điều gì? – Nhận ra để sống hạnh phúc hơn
Chúng ta, những con người bình thường, hằng ngày vẫn bươn chải với cuộc sống, với công việc, với gia đình, với những mối quan hệ. Nhưng ít ai có thể phủ nhận rằng, điều khiến chúng ta đau đáu nhất trong lòng không hẳn là những thử thách bên ngoài, mà chính là những […]
Chúng ta, những con người bình thường, hằng ngày vẫn bươn chải với cuộc sống, với công việc, với gia đình, với những mối quan hệ. Nhưng ít ai có thể phủ nhận rằng, điều khiến chúng ta đau đáu nhất trong lòng không hẳn là những thử thách bên ngoài, mà chính là những đấu tranh nội tâm, những cái nhìn sâu vào bản thân mình. Câu hỏi muôn thuở của con người là: “Mình là ai? Mình đang làm gì? Và mình có thật sự là chính mình không?”
Điều gì làm ta phải sợ?
Là một con người, cái gì khiến chúng ta sợ hãi hơn cả? Có phải là những điều bên ngoài, những điều chưa biết hay những sự thay đổi không lường trước được?
Không! Cái mà chúng ta sợ thật sự là sợ chính mình. Sợ phải nhìn thấy những sai lầm của mình, sợ phải đối diện với lỗi lầm mà mình đã phạm phải, sợ thấy một con người không phải là bản ngã chân thật của mình trong những khoảnh khắc yếu đuối, sai sót.
Con người chúng ta, đôi khi, tìm cách né tránh bản thân mình, né tránh những điều không hoàn hảo trong suy nghĩ. Bởi vì, một khi đối diện với lỗi lầm của mình, ta không thể tránh khỏi cảm giác xấu hổ, đau đớn và mất mát.
Ta sợ làm mất đi những gì mình đã xây dựng, sợ mất đi hình ảnh tốt đẹp mà mình đã cố gắng giữ gìn.
Và sợ nhất là khi đối diện với những sự thật không đẹp về chính mình, ta lại có xu hướng làm ngơ, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác, thay vì đối diện và sửa chữa.
Sợ nhất là khi thực tế trước mắt không thể che giấu được sự dối trá mà ta đã tự dựng lên. Dối trá không phải lúc nào cũng là lời nói, mà đôi khi là những hành động, những quyết định không đúng đắn, những lựa chọn sai lầm mà ta lén lút biện minh cho mình.
Ta sợ nhìn nhận rằng mình đã làm tổn thương ai đó, đã bỏ qua cơ hội làm điều đúng đắn, đã lựa chọn con đường dễ dàng thay vì đối mặt với thử thách.
Chúng ta dễ dàng tha thứ cho những người xung quanh, nhưng lại khó có thể tha thứ cho chính mình.
Chính sự khắt khe với bản thân khiến ta khổ sở, khiến ta lẩn tránh những bài học quý giá mà cuộc sống muốn dạy. Mỗi lần sai, ta lại tự trách mình, mỗi lần không như ý, ta lại cảm thấy mình kém cỏi.
Nếu chúng ta muốn căn phòng của mình đẹp, đầu tiên phải quét dọn cho sạch sẽ và ngăn nắp. Nếu tâm chúng ta ví như một căn phòng lộn xộn, ta phải vệ sinh nó. Khi ta có lỗi lầm, ta phải đối diện với sự thật rằng là ta thật sự sai. Nhìn thấy sai lầm của bản thân không phải để hổ thẹn, mà nhìn vào bản thân để hoàn thiện ngày một tốt hơn. Giống như căn phòng nếu ta chăm chút tỉ mỉ càng gọn gàng, thoải mái.
Sai lầm là khởi đầu của sự tự hoàn thiện, bởi có sai lầm ta mới nhìn ra khiếm khuyết bản thân
Thay vì sợ hãi khi nhìn thấy lỗi lầm của mình, hãy học cách đối diện với chúng. Hãy dám nhìn vào những điểm yếu, những sai sót của chính mình mà không tự trừng phạt mình bằng sự im lặng, sự né tránh.
Đôi khi, chính sự thừa nhận và sửa chữa những sai lầm ấy mới là con đường giúp ta đến gần hơn với chính mình, giúp ta trở thành một con người mạnh mẽ, kiên cường và thực sự trưởng thành.
Chúng ta sợ đối diện với bản thân, sợ mất đi những gì đã có, nhưng chính trong những khoảnh khắc đối diện ấy, ta sẽ tìm ra con đường đúng đắn để bước tiếp.
Sự thấu hiểu và lòng tha thứ chính là chìa khóa giúp ta vượt qua những nỗi sợ đó. Khi ta dám đối diện với những điều không hoàn hảo trong mình, ta sẽ tìm thấy sức mạnh để làm lại từ đầu, để sống một cuộc đời thật sự chân thành và ý nghĩa.
Vì vậy, thay vì sống trong sợ hãi, hãy học cách sống cùng với những sai lầm, học cách chấp nhận bản thân, và học cách yêu thương chính mình dù có những khuyết điểm. Chính sự dũng cảm đối diện với bản thân mới là điều làm nên sự khác biệt trong mỗi con người.
Nguyên Tác An Hậu
Bạn nghĩ thế nào về bài viết này